Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2009

Một Phật tử Hà Nội lên tiếng chất vấn Hòa thượng Thích Trí Quảng

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 5.1.2009
Một Phật tử Hà Nội lên tiếng chất vấn Hòa thượng Thích Trí Quảng



PARIS, ngày 5.1.2009 (PTTPGQT) - Sáng nay, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế nhận được một bức thư của ông Tuệ Nguyên, một Phật tử ở Hà Nội, nhờ đăng tải để rộng đường dư luận. Bức thư tâm sự nhưng cũng là lời chất vấn của đa số Phật tử thầm lặng đối với giới Tăng sĩ vì thời cuộc mà bỏ chốn thiền môn để sa chân phục vụ ý thức hệ ngoại lai Cộng sản. Vì sa chân nên họ đã quay lưng với nền Phật giáo Cứu khốn Trừ nguy có hai nghìn năm truyền thống. Và chịu thầm lặng vì Nhà nước Xã hội chủ nghĩa thủ tiêu mọi tự do cơ bản, chủ yếu là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tự do báo chí, được tuyên dương và bảo đảm trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà thế giới kỷ niệm 60 năm công bố.

Thư được gửi đến Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương kiêm Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh (tức Giáo hội Phật giáo Nhà nước) đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh (tổ chức ngoại vi và tay sai của Đảng Cộng sản Việt Nam).

Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đăng tải nguyên văn thư ấy dưới đây :


Đôi dòng tâm sự kính gửi Hoà thượng Thích Trí Quảng
Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp. HCM, Phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp. HCM.



Kính bạch Hoà thượng,

Con là một phật tử sinh ra và lớn lên tại Hà Nội sau năm 1975. Tuy suốt 12 năm học phổ thông và 5 năm đại học con đều được học dưới mái trường Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc. Nhưng con có may mắn là khi trưởng thành thì được tiếp xúc với một số bậc thiện tri thức và được hiểu hơn về Đạo Phật, nhờ đó mà con đã quy y Phật.

Con đã nhiều lần đọc được những bài luận của Hoà thượng. Trong những lần đó con có cảm nhận Hoà thượng là một nhà Phật học sâu sắc, văn viết của Hoà thượng súc tích và chứa đựng nhiều điều mà chúng con hàng phật tử hậu học được truyền trao những giá trị đúc kết bổ ích trên con đường học Phật.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây Hoà thượng có viết một bài với nhan đề “ĐỨC VUA PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG VỊ TỔ NGƯỜI VIỆT NAM CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM” nhân dịp tổ chức Tưởng niệm 700 ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, do Trang nhà Thư Viện Hoa Sen đăng tải (http://www.thuvienhoasen.org/trannhantong-tuongniem-32.htm). Con lấy làm băn khoăn nhiều điều và muốn gởi lời tâm sự đến Hoà thượng. Kính xin Hoà thượng từ bi hoan hỉ chỉ dạy cho con và những ai có cùng băn khoăn về những điều sau:

1. Trong bài viết của mình có đoạn Hoà thượng viết “… Ngài (Đức Phật Hoàng) cũng hoàn thành một Phật sự vô cùng đặc biệt, đó là sự thống nhất các hệ phái Phật giáo có trước và khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đây là lần đầu tiên Phật giáo thời nhà Trần đã thống nhất được Phật giáo và thành lập một Giáo hội duy nhất với một Thiền phái duy nhất của người Việt Nam là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”.

Thưa Hoà thượng, đọc đoạn trên con không hiểu là dựa vào đâu mà ngài nói rằng Đức Phật Hoàng và Phật giáo nhà Trần thành lập một giáo hội DUY NHẤT với một Thiền phái DUY NHẤT của người Việt Nam ? Theo rất nhiều sách, tham luận về lịch sử Phật Giáo Việt Nam của các học giả uyên bác như Trần Văn Giáp, Thích Mật Thể, Đoàn Trung Còn, Nguyễn Lang, Lê Manh Thát, v.v… thì Đức Phật Hoàng lấy tinh tuý của các dòng thiền Phật giáo trước đó và với trí tuệ siêu việt của ngài, ngài đã khai sáng dòng Thiên Trúc lâm mang đậm nét Việt Nam, rất đơn giản mộc mạc nhưng siêu việt.

Như vậy, chẳng có bằng chứng nào nói rằng Phật giáo nhà Trần thống nhất và thành lập một giáo hội duy nhất cả. Con rất tin tưởng rằng, với trí tuệ và lòng từ của Đức Phật Hoàng, không bao giờ ngài áp đặt một cái gì là duy nhất, đặc biệt là về mặt tư tưởng đối với người dân mà ngài thương yêu vô bờ bến. Có lẽ chăng thời đó do uy đức và phẩm hạnh của ngài quá lớn, cộng với phẩm chất của dòng Thiền Trúc lâm là rất phù hợp đối với người Việt mà khiến cho phần lớn những người tu học lúc bấy giờ đều rất mến phục và quý kính. Chính vì vậy mà trong lịch sử ít nhắc đến các hệ phái khác vào thời điểm ấy. Liệu nói như Hoà thượng thì có oan cho Đức Phật Hoàng không, thưa Hoà thượng ?

2. Rồi Hoà thượng viết tiếp “Thành quả thống nhất đối với đất nước và đạo pháp của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông gợi cho chúng ta liên tưởng đến điểm tương đồng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay. Năm 1975, khi nước nhà được độc lập và thống nhất, thì đến năm 1981, sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam chúng ta cũng được chư tôn thiền đức của ba miền đồng lòng thống nhất trong một Giáo hội Phật giáo Việt Nam duy nhất”.

Thưa Hoà thượng, con lấy làm băn khoăn là sao Hoà thượng lại so sánh thành quả thống nhất Phật giáo thời Đức Phật Hoàng - Phật Giáo Trúc Lâm cách đây hơn 700 năm với thành quả của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (thành lập năm 1981) ngày nay được ? Bởi đơn giản hàng hậu học như con, với chút kiến thức rất nhỏ bé cũng thấy 2 thành quả trên là khác nhau rất xa, xa lắm. Phật Giáo Trúc Lâm hồi đó lấy định hướng nhập thế để mà hành đạo, sống tuỳ duyên mà chứng đắc Phật tánh trong mỗi người, thể hiện vô cùng rõ ràng trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo của Đức Phật Hoàng:

“Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói đến thì ăn nhọc ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”



“Sạch giới lòng, dồi giới tướng
Nội ngoại nên bồ tát trang nghiêm
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha
Đi đỗ mới trượng phu trung hiếu”

Phật Giáo Trúc Lâm hồi đó dạy con người lấy lòng NGAY THẲNG để mà giúp cho đất nước non sông, đưa ra những lời khuyên cho đến bậc quân vương và các quan lại phải sống sao cho đúng mực, vì dân vì nước. Điển hình như vua Trần Anh Tông nhiều lần bị Đức Phật Hoàng quở mắng một cách nghiêm túc vì ham chơi và không có hành động thích đáng lo cho dân. Hồi đó, điển hình là Đức Phật Hoàng, luôn đặt mục tiêu Hộ Dân, Hộ Quốc lên trước cả Hộ Pháp để làm tôn chỉ mà hành đạo, không ngần ngại chi cả việc hi sinh thân mạng.

Con không hiểu ngày nay “Gíao hội Phật giáo Việt Nam” đã làm được gì để có thể so sánh với Gíao hội Trúc Lâm hồi đó ? “Gíao hội Phật giáo Việt Nam” đã làm gì để Hộ Quốc trước việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong khi Nhà cầm quyền Việt Nam không những im hơi lặng tiếng mà còn ngăn cấm và bắt bớ sinh viên Việt Nam biểu tình ôn hoà phản đối sự việc trên ?

“Gíao hội Phật giáo Việt Nam” đã Hộ quốc thế nào khi chứng kiến cảnh quan chức Việt Nam ăn trên ngồi trước, tham nhũng tham ô tràn lan gây phẫn nộ cho hơn 80 triệu người dân Việt mà đại bộ phận ở khu vực nông thôn đang sống trong cảnh mà Liên Hợp Quốc liệt vào mức nghèo khổ ?

“Gíao hội Phật giáo Việt Nam” đã làm gì để giúp đỡ những người dân oan mất đất, đi khiếu kiện trong mấy chục năm trời để gọi là Hộ dân ?

“Gíao hội Phật giáo Việt Nam” đã làm gì để hoằng dương chính pháp nói lên sự thật đau lòng của hiện trạng không có tự do, nhân quyền và dân chủ cho người dân ngay tại đất nước Việt Nam để gọi là Hộ Pháp?

Phải chăng ý ngài nói thành quả xây chùa đúc tượng cho thật nhiều như ngày nay mà “Gíao hội Phật giáo Việt Nam” đang làm và sẽ làm ? Phải chăng ý ngài nói ngày càng có nhiều người xuất gia tu học dưới những ngôi trường trung và cao cấp về Phật học được lèo lái bởi “Gíao hội Phật giáo Việt Nam” mà nhiều người trong đó không từng thuộc lấy một bài kệ trong Kinh Pháp Cú hoặc Bát Nhã Tâm kinh, còn nói gì đến hoằng dương chính pháp ? Phải chăng ý ngài nói đến nhiều chư Tăng Ni trong “Gíao hội Phật giáo Việt Nam” đang hành nghề cúng bái để đáp ứng nhu cầu lợi danh thế tục ? Hoặc giả trong thời kỳ này mà chỉ lý giải suông kinh điển, hoặc thao thao bất tuyệt những điều chẳng ăn nhập gì với cuộc sống khổ cực của người dân Việt thì thật đau xót lắm thưa Hoà thượng.

Càng đau xót hơn khi mà những điều trên lại diễn ra trước mặt dân chúng đang lầm than, đại bộ phận sống trong cảnh nghèo túng và bị cường quyền bịt miệng !!!

Và còn rất rất nhiều điều khác nữa cho thấy sự khác xa giữa Gíao hội Trúc Lâm với “Gíao hội Phật giáo Việt Nam”.

Không những thế, Hoà thượng còn nói là vào năm 1981, chư tôn đức 3 miền đồng lòng thống nhất trong một giáo hội phật giáo Việt Nam duy nhất là “Gíao hội Phật giáo Việt Nam”. Đọc đến đây thì con ngỡ ngàng quá. Vì rõ ràng là Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất còn đây và đang thăng hoa về phẩm chất Phật để mà Hộ Quốc, Hộ Dân và Hộ Pháp đúng theo tinh thần của Giáo hội Trúc Lâm đã làm trong suốt lich sử tồn tại của mình. Chắc ngài thật rõ biết bậc tiền bối của ngài là Đức Cố Tăng Thống Thích Huyền Quang và Thầy Thích Quảng Độ cùng các bậc tôn túc trong Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã không quản ngại cảnh tù đày áp bức lao khổ trong suốt cả cuộc đời của mình để mà vì nước, vì dân, vì chính pháp ?

Không lẽ Hoà thượng quên rồi sao những năm tháng ngài tu hành tại chùa Ấn Quang (1957-1965) ? Rồi còn nữa, ai đã gửi ngài đi du học tại Nhật Bản trong những tháng ngày mà Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn gặp nhiều cảnh khó khăn gian khổ (1965-1973) ?

Thế mà giờ đây Hoà thượng lại nói rằng “Gíao hội Phật giáo Việt Nam” là “duy nhất”!!! Không lẽ ngài nỡ lòng phủ nhận một giáo hội đang ngày đêm vất vả lội dòng lịch sử cùng dân tộc và đã từng dung thân ngài, cho ngài đi du học để có được như ngày hôm nay!!!

Con thiết nghĩ, các bậc tôn túc trong Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không bao giờ so sánh mình với Giáo hội Trúc Lâm cả. Các ngài chỉ quên mình mà hoằng dương chính pháp trong việc Hộ quốc, Hộ dân và Hộ pháp đúng như bổn phận của người xuất gia, truyền thừa 2000 năm giá trị Phật giáo Việt Nam của chư lịch đại tổ sư. Thế nhưng, chính trong ý nghĩa đó, mà có lẽ ai ai cũng sẽ nhận thấy chính Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là sự truyền thừa xứng đáng của Giáo hội Trúc Lâm.

Ngày hôm nay trên đất nước Việt Nam chưa có được tự do, dân chủ và nhân quyền. Thế nhưng, rồi một ngày không xa Việt Nam sẽ có những điều ấy. Hàng hậu học chúng con sẽ không bao giờ quên được những bậc tôn túc trong Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã không quản ngại cảnh tù đày khắc khổ để mà sống đạo cho đất nước Việt Nam. Con còn nhận thấy, cũng chính nhờ có những hành động và ứng xử của Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suốt mấy chục năm qua mà Phật giáo Việt Nam ngày nay mới không bị hổ thẹn trước chư lịch đại tổ sư, trước Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thưa Hoà thượng.

Mai này khi Việt Nam có tự do, nhân quyền và dân chủ, chúng con và các thế hệ tiếp theo phải thành kính đê đầu cảm tạ Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhiều lắm vì trí tuệ, từ bi, uy dũng và đức hi sinh cao cả của các Ngài đã và đang đấu tranh cho dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Con tin tưởng điều này lắm, bởi cuối cùng thì chính nghĩa sẽ thắng phi nghĩa, đó là bài học giáo đầu nằm lòng mà con được học trong ngày thọ giới quy y Phật.

Thưa Hoà thượng, con thấy Đức Bổn Sư Thích Ca, Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, và chư lịch đại tổ sư của Việt Nam đều luôn luôn dạy dỗ chúng con rằng Đạo Phật là Đạo Như thật, vậy sống và làm việc phải hướng về và y trên sự thật, nếu không thì sẽ phạm vào ít nhất là một trong Năm giới căn bản của người phật tử đó là “Không nói dối hay nói không đúng sự thật”.

Kính bạch Hoà thượng,

Những điều mà con đề cập ở trên, con thiết nghĩ sẽ còn nhiều người đồng lòng. Nay con chỉ xin mạn phép gửi đến Hoà thượng như những điều tâm sự, mong Hoà thượng ghi nhận và chỉ dạy cho con. Con lại càng mong mỏi điều này hơn khi mà bài viết trên là của Hoà thượng, là bậc thượng thủ trong “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” có nhiều uy tín và tiếng nói trong giáo hội của ngài.

Hà Nội, ngày 4/1/2009
Tuệ Nguyên